Liên tiếp hàng loạt ca tai biến do làm đẹp
Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, số ca tai biến thẩm mỹ nội khoa đến khám và điều trị tại bệnh viện này tăng dần theo thời gian. Trong đó, có 69% số ca tai biến liên quan đến các thủ thuật tiêm chích, 16% liên quan đến laser ánh sáng và các thiết bị phát năng lượng, 10% liên quan các thủ thuật tái tạo da bằng hóa chất và 5% là các thủ thuật khác.
Mới đây, ngày 13.1, chị L.H.T.N (40 tuổi, ngụ phường Cát Lái, TP.Thủ Đức, TP.HCM) trong lúc đang làm đẹp da tại một thẩm mỹ viện thì bất ngờ xuất hiện các triệu chứng nôn ói, gồng cứng người, được chuyển cấp cứu sang Bệnh viện Nhân dân 115. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp nặng phải thở máy, lọc máu liên tục.
Trước đó vài ngày, sau khi được tiêm filler môi, cằm, mũi tại một tiệm spa, chị N.H.T. (17 tuổi, ở Đồng Nai) bất ngờ bị đau đầu, chóng mặt và nôn ói. Được người nhà đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu. Lúc này, mắt trái của chị T. có dấu hiệu sụp mi, bầm vùng mi trên và góc trong mũi, giác mạc phù, máu đè nội nhãn có dấu hiệu xung huyết kết mạc. Sau khi được chẩn đoán bị mất thị lực mắt trái sau tiêm filler, bệnh nhân được chuyển lên khoa Mắt tiếp tục theo dõi và điều trị.
Ngày 23.1, thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trung Đương - Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, việc lựa chọn tiêm filler được nhiều người ưa chuộng vì không yêu cầu phẫu thuật, mang lại hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi chọn một cơ sở uy tín, được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn và sử dụng filler chất lượng, an toàn.
Tai biến trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ có nhiều dạng với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Người bệnh có thể phải đối mặt với vấn đề như viêm da tiếp xúc, viêm mô tế bào, nhiễm trùng da nặng và thậm chí là những hậu quả nghiêm trọng như mất khả năng nhìn, tàn tật vĩnh viễn hay thậm chí là tử vong. Nguyên nhân của những biến chứng này thường liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, tình trạng sức khỏe của người bệnh hoặc sai sót trong kỹ thuật của người thực hiện.
Do đó, để đảm bảo an toàn, bác sĩ Nguyễn Trung Đương khuyến cáo người dân khi chọn lựa cơ sở làm đẹp nên nghiên cứu thông tin cẩn thận. Cần phải chọn cơ sở uy tín với bác sĩ có kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại để giảm thiểu rủi ro.
"Cần đến các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép khi thực hiện các ca phẫu thuật lớn như làm ngực, hút mỡ, nâng mũi... đặc biệt là những thủ thuật đòi hỏi gây mê và điều trị chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt", bác sĩ Đương chia sẻ thêm.
Những ai không nên phẫu thuật thẩm mỹ?
Bác sĩ Đương lưu ý có những trường hợp không nên phẫu thuật thẩm mỹ, như bệnh nhân mắc bệnh lý ung thư, bất thường về máu đang điều trị, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Những người có các bệnh mãn tính như suy tim, suy thận hay các bệnh lý khác cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định làm đẹp.
"Người bệnh có nhiều bệnh mãn tính, những người mắc các bệnh chuyển hóa như gout, đái tháo đường khó kiểm soát, vì phẫu thuật có thể khiến vết thương khó lành. Người suy chức năng gan, xơ gan, người thiếu máu, rối loạn các yếu tố đông máu hoặc người phải dùng thuốc chống đông kéo dài… không nên thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ", bác sĩ Đương cho hay.
Theo bác sĩ Đương, nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng cần tỉnh táo khi đưa ra quyết định tiêm hoặc can thiệp vào cơ thể. Các thông tin tư vấn trên mạng xã hội hoặc dựa vào thông tin từ những người không có chuyên môn chỉ để tham khảo.
"Việc tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn là điều hết sức quan trọng khi quyết định thực hiện phẫu thuật hoặc tiêm chất làm đẹp. Đặc biệt, nếu có kế hoạch thực hiện một ca phẫu thuật quan trọng, nên có người thân đi cùng và đảm bảo rằng người mổ là bác sĩ đã được tư vấn và có giấy phép hành nghề thẩm mỹ", bác sĩ Đương khuyến cáo.
Nguồn:
nổ hũ đổi thưởng io